Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Mùa săn cá hô

Mùa săn cá hô

Mua san ca ho
Con cá hô nặng hơn 100 kg được nhà hàng Đông Xuyên (TP Long Xuyên, An Giang) mua lại của ngư dân. ảnh: Hoàng Tuyên
Cá hô được mệnh danh là loài cá vua ở sông nước miền Tây bởi vóc dáng khổng lồ, nặng trên 160 kg, thịt ngon và được ưa chuộng. Ngư dân nào đánh lưới trúng một con cá hô khoảng 100 kg là cầm chắc trong tay cả lượng vàng, bạn câu ngưỡng mộ, báo đài đưa tin rần trời. Cho nên, thông tin về việc cá hô xuất hiện ở Bắc Năng Gù (huyện Châu Phú, An Giang) khiến ngư dân náo nức, hy vọng...
Chúa tể sông ngòi
Tuy vóc dáng vĩ đại nhưng cá hô là loài cá hiền, thức ăn của chúng là rong rêu, tảo, ốc... ở đáy bùn. Dân sông nước mô tả sức mạnh của cá hô: khi nước ròng chúng nhào lên khỏi mặt nước lộn mình nghe phình phình, nước sông bắn tung trắng xóa và nhà ven sông thì nghe một tiếng ầm như mìn nổ! Cũng vì những tiếng động kinh người này mà ngư dân lần theo dấu bủa lưới. Cá hô có một điểm vô cùng kỳ lạ là thích đâm đầu vào lưới như để phô diễn sức mạnh chúa tể sông ngòi của mình. Anh Sáu Viên, một tay săn cá hô lão luyện nói: "Chưa thấy giống gì... ngu như cá hô, gặp lưới là hùng hục lao tới, chừng vướng lưới cứ nhảy lên, một hồi chính nó tự quấn mình trong tấm lưới như cái bánh cuốn!".
Một câu chuyện khác. Năm 1980, một con cá hô khoảng 69 kg bị trúng mìn nằm phơi bụng trôi lờ đờ trên sông Hậu, Châu Đốc. Một ngư dân thấy cá to quá mừng rỡ bơi xuồng tới bắt. Tuy bị thương nhưng cá hô còn mạnh nên anh này dù chụp trúng đuôi vẫn bị cá hất văng ra. Chụp hụt hoài tức mình anh mới nhảy xuống sông lòn tay vào trong mang cá để lôi cá lên xuồng. Bất ngờ con cá lặn xuống lôi theo anh ngư dân. Mãi 3 ngày sau cá mới nổi lên mang theo xác của người xấu số.
Cá hô có 2 loại đen và hoa cà, cá hô đen mạnh và thịt ngon hơn nên giá đắt hơn cá hô hoa cà vài ba ngàn đồng/kg. Theo dấu cá hô cơ cực mọi bề nhưng ngư dân ai cũng khoái, vì như họ nói: "Bắt một con đáng đồng tiền bát gạo, bán xong mua được cả lượng vàng... Dính được nó lưới nặng trình trịch, nó quậy tưng tưng kéo sướng tay". Hồi xưa, cùng với cá hô trên sông Mê Kông còn có các loài cá to khoảng 70 kg/con như cá vồ cờ, lăn chiên, bông lau, lại có cả cá đuối trên 140 kg/con. Nếu thả lưới dính được các loài cá to này, ngư dân sẽ được khẳng định đẳng cấp, danh tiếng "sát cá".
“Vua cá hô”
Cá hô tập trung nhiều nhất ở ngã ba Vàm Nao - nơi tiếp giáp giữa hai luồng sông Tiền và sông Hậu. Một điều lý thú là nhìn trên bản đồ, ngã ba sông Vàm Nao có hình dáng như một con cá hô ! Sông Vàm Nao nhỏ nhưng có nhiều hố xoáy sâu thích hợp cho cá hô từ Biển Hồ tới trú ẩn.
Lưới đánh cá hô được neo 2 đầu sông, giàn lưới dài 70m, bề xuống 12m, mắt lưới 4-5 tấc. Từ tháng giêng đến tháng 4 (âm lịch) là mùa săn cá hô. Thường theo các con nước ròng các ngày 13, 17, 18, 25, 27 là ngày cá hô đi nhiều. Và theo quy luật bất thành văn, nơi đây ai khẳng luồng trước sẽ là chủ luồng mãi mãi. Người tới sau phải mua lại luồng hoặc hùn nhau bên luồng bên lưới. Ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang có trên 60 tay lưới cá hô mà cự phách nhất là Ba Nén, Chín Hổ, Sáu Viên, Văn Nhanh, Tư Chanh, Út Lành, Bảy Đan, Ba Nghệ, Năm Còn... Những tay lưới này đã đánh được 30 - 40 cá hô. Trong đó Năm Thứ - mệnh danh Năm "cá hô" - lập kỷ lục đánh bắt trên 80 con cá hô.
Năm Thứ kể, hồi năm 1980, khi thả lưới trên luồng của ba anh để lại thì vận may đến bất ngờ khi mẻ lưới đầu tiên dính con cá hô trên 150 kg. Cảm giác này được Năm Thứ diễn tả: "Chiều tối ra kéo lưới tôi thấy lưới nặng trình trịch, nước sông thì cứ sủi bọt ục ục. Đây là dấu hiệu dính cá to. Ráng sức kéo lưới thì trời đất ơi, một con cá hô đã bị ngạt nước bất tỉnh to hơn cả chiếc xuồng đang nằm phềnh bụng. Tôi vừa mừng vừa khóc, lớ ngớ một hồi mới tỉnh hồn la làng cho người ta tới tiếp lấy dây thừng xỏ qua mang cá đem lên bờ. Cả đêm đó không chợp mắt nổi". Con cá này đem cân thì kim đồng hồ chạy cái rẹt đến quá con số 150 kg - mức cao nhất. Không có cái cân lớn hơn để cân nhưng Năm Thứ chơi đẹp "cân chỉ bao nhiêu tính tiền nhiêu". Với con cá này, Năm Thứ kiếm cả lượng vàng.
Đó chưa phải là con cá hô to nhất mà Năm Thứ trúng. Sau mẻ lưới đầu tốt lành, Năm Thứ dính dài dài cá hô. Có con nặng 100 kg, có con nặng 96 kg, con 160 kg và con nhỏ nhất là 50 kg. Theo tập tục, khi bắt được cá to từ 100 kg trở xuống phải cúng thần sông một cặp vịt và từ 100 kg trở lên là cái đầu heo để tạ lỗi và cảm tạ phúc phần. Và người nào phát hiện cá hô nhào nếu chỉ chỗ thì khi đánh lưới trúng sẽ được hưởng bạc trăm, bạc triệu. Bắt tới con cá thứ 6, các cụ lão niên gật gù: "Thằng này có tay sát cá!". Chỉ câu nói này mà Năm Thứ xin thôi việc ở công an xã để đi đánh cá hô. Nhắc lại, Năm Thứ vẫn còn tự hào khi anh thả lưới dính cá hô 160 kg ở Bắc Năng Gù, cá nặng quá không dám đưa lên xuồng nên anh đưa lên quốc lộ chờ lái đến cân. Lúc này khách đi vía Bà Chúa Xứ núi Sam đông lắm, thấy con cá to quá ai cũng kêu xe hơi, xe đò dừng lại để coi và chụp hình lia lịa làm đường sá bị ùn tắc. Cái sướng khác là mấy phóng viên truyền hình khi hay tin anh dính cá hô 140 kg đã tới quay từ cảnh tháo lưới cá, đem cân. Khi phóng viên thực hiện xong, Năm Thứ mệt muốn xỉu !
Với những con cá trên 150 kg, khi cân bán Năm Thứ chơi sộp "cân bao nhiêu lấy bao nhiêu", chỉ xin lại cái bong bóng cá. Chuyện này được anh tiết lộ như sau: ngư dân nào cũng biết món đệ nhất của con cá hô không phải ở thịt mà là bong bóng. Anh tả: cái bong bóng dày như miếng cùi dừa, xào giấm thêm bông cải khi ăn xực xực, dai dai mà giòn ngon không thể tả. "Thứ này mà nhâm nhi với rượu nóng là hết muốn rời bàn". Cái "nó cá" - phần gần ức cá - nặng chừng 1 kg đem xào ăn như bong bóng thì hết chê. Còn gặp cá hô 100 kg trở lên thế nào cũng có một cặp trứng nặng cỡ 6 kg, đưa vào nồi nấu là trứng nở bung ra như hột é, cả xóm ăn không hết. Năm Thứ quả quyết cá hô chỉ ngon khi từ 50 kg trở lên, còn cá con dưới 40 kg thịt ăn không “bắt” lắm.
Bây giờ, cá hô ở Vàm Nao ngày càng khan hiếm. Tiếng là “vua cá hô” như Năm Thứ cũng đành chịu, một mùa anh chỉ bắt dính con cá nặng khoảng 96 kg. Mỏi mòn, Năm Thứ bán hai luồng cá với giá 6 chỉ vàng. Trước và sau Năm Thứ, nhiều ngư dân Bình Thủy chán cảnh sông dài vắng cá nên đã bán dần dần các tay lưới, các luồng. Nay thì trên sông rộng cá hô ngày càng bặt tăm, họa hoằn lắm mới có người trúng.
Tại Bắc Năng Gù, các tay săn cá hô còn sót lại đang chờ đợi con cá hô mùa trước từng đã xuất hiện để bủa lưới giăng. Lại nghe có người đồn ngoài sông Vàm Nao lại thấy bóng cá hô nhào. Vậy là đủ để họ háo hức, rạo rực...
Thanh Dũng
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates